Thách thức Xuất khẩu lao động Việt Nam

Biển báo với thông điệp "Người lao động bất hợp pháp sẽ bị truy tố" viết bằng 5 thứ tiếng thông dụng tại Singapore.

Người lao động

Kỹ năng và trình độ lao động

Mặc dù tỷ lệ lao động được đào tạo tăng gần 35% nhưng trình độ và kỹ năng của nhiều lao động Việt Nam chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, dẫn đến chất lượng lao động chưa cao. Một số lao động ở nước ngoài thiếu ý thức, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không tốt đối với lao động Việt Nam tại nước ngoài.[8][37]

Bỏ trốn và lưu trú bất hợp pháp

Con đường về nước của lao động xuất khẩu, bao gồm lưu trú bất hợp pháp[55]

Một vấn đề khác là việc lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp diễn ra điển hình tại Hàn Quốc[56] (40%), Nhật Bản (30%) và Đài Loan (10-15%). Mục đích các lao động phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm là để có thu nhập cao hơn, cư trú bất hợp pháp để có thể ở lại làm việc lâu hơn, như tu nghiệp sinh tại Nhật Bản có mức lương trung bình khoảng 500 – 700 USD/tháng, nhưng nếu trốn ra làm việc ở ngoài có thể được mức lương gấp 3 lần.[29] Tại châu Âu cũng có tình trạng nhiều lao động Việt Nam tự ý phá vỡ hợp đồng và lưu trú bất hợp pháp.[37]

Tại Hàn Quốc, Hiệp hội Nông - Ngư nghiệp, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có những đánh giá không tích cực về lao động Việt Nam trong việc chuyển đổi nơi làm việc cũng như tình trạng lưu trú bất hợp pháp. Điều này dẫn đến xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam có dấu hiệu giảm dần tại một số công ty. Thống kê năm 2011 của Hàn Quốc cho biết Việt Nam đứng đầu về số lượng lao động cư trú bất hợp pháp (8.780 trong hơn 60.000 lao động) và đứng đầu về yêu cầu đòi chuyển đổi nơi làm việc với các lý do không chính đáng (32%) so với các quốc gia khác.[10][57]

Bên cạnh đó còn hiện tượng người dân tự ý hoặc được môi giới đưa sang nước ngoài làm việc và lưu trú bất hợp pháp không qua hợp đồng lao động bằng những con đường như như đi du lịch, thăm người thân hoặc kết hôn giả.[58]

Ứng phó với tình trạng này, Nhật Bản tuyên bố sẽ mạnh tay hơn trong việc kiểm soát người lao động nước ngoài, nếu bỏ trốn khi bắt được sẽ trục xuất ngay về nước.[12] Về phía Hàn Quốc, chính quyền đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam, đồng thời thực hiện các giải pháp truy quét tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Kết quả con số này giảm xuống đáng kể. Nhận định từ giới chức Việt Nam cho biết, việc lao động "cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng đã tác động xấu đến ổn định xã hội và góp phần làm phát sinh tội phạm liên quan đến người nước ngoài".[10]

Quy định và công tác quản lý

Quy định và thủ tục pháp lý

Quy định và thủ tục pháp lý không rõ ràng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng lách luật để cuối cùng bắt người lao động phải chịu những chi phí cao một cách bất hợp lý.[59] Theo khuyến nghị của các nước khác, Việt Nam nên tập trung vào các đầu mối ở cấp tỉnh để đưa người lao động đi nước ngoài để quản lý chặt chẽ hơn.[27]

Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm các quy định pháp luật của một số doanh nghiệp Việt Nam với các hình thức như không thẩm định hợp đồng, không đào tạo trước khi đi, không báo cáo danh sách lao động, thu tiền quá quy định… Các tổ chức, cá nhân không có chức năng thực hiện xuất khẩu lao động lừa đảo đưa người lao động sang các quốc gia khác lao động bất hợp pháp, điển hình như tại Malaysia[32]Đài Loan.

Thông tin thân phận người lao động

Nhiều lao động Việt Nam qua đời ở nước ngoài, tuy nhiên những con số này chưa được công bố rộng rãi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội cho biết những trường hợp chết đã làm thủ tục thông báo về gia đình, còn đăng lên báo thì không có lợi trong dư luận xã hội vì nhiều vấn đề chưa được rõ ràng. Một số trường hợp do khâu kiểm tra sức khỏe không được kỹ nên ra nước ngoài gặp điều kiện lao động căng thẳng, cộng thêm có lao động không giữ mình nên đã uống rượu, dẫn đến đột tử.[27] Có thông tin về trường hợp người lao động mất do tai nạn nhưng hai tháng sau gia đình tại Việt Nam mới được báo tin.[60]

Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Việt Nam, từ tháng 4 năm 2002 đến đầu năm 2008 đã có hơn 300 trường hợp người lao động Việt Nam chết tại Malaysia.[31] Riêng năm 2007, Phóng viên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thống kê có ít nhất 100 lao động Việt Nam chết tại Malaysia. Con số này nhiều hơn hẳn các thị trường lao động khác, trong đó 1/3 thống kê do "đột tử". Có nhiều nghi vấn chưa giải đáp quanh vấn đề này vì nhiều nhân chứng tại Malaysia và gia đình các nạn nhân khẳng định những người bị chết đều khỏe mạnh, trước đó không có biểu hiện bệnh tật.[61] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết việc khám sức khỏe không cẩn thận là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động bị đột tử phổ biến tại quốc gia này.[62]

Tháng 12 năm 2011, ba lao động tại Nga thiệt mạng vì bị ngạt khí gas. Do xuất khẩu lao động theo đường dây bất hợp pháp nên khi chết, họ không được chôn cất mà chỉ được quấn vải rồi lấp đất lên.[63][64]

Đơn vị tuyển dụng và sử dụng lao động

Chi phí môi giới

Công ty môi giới có trách nhiệm giúp người lao động làm thủ tục cư trú và giấy tờ thuế đồng thời tìm công việc thích hợp, sau đó nhận được một khoản cố định từ lương hàng tháng của người lao động.[65]

Mặc dù theo luật định, mức trần tiền môi giới cho các thị trường cứ mỗi năm của hợp đồng không vượt quá một tháng lương của người lao động, tuy nhiên trong thực tế, nhiều công ty xuất khẩu đòi hỏi người lao động phải đóng phí môi giới cao hơn. Ngoài ra còn tiền dịch vụ (mức trần khoảng 10% của lương tháng, đóng trước 18 tháng) trả cho công ty xuất khẩu, chi phí đặt cọc "chống trốn", chi phí dạy nghề và ngoại ngữ trước khi xuất hành, vé máy bay lượt đi,... Nhiều lao động đã phải thế chấp đất và nhà cửa hay vay mượn để có đủ tiền lo chi phí.

Theo sự tính toán của báo Lao động: "Mức lương tối thiểu người lao động được hưởng là 15.840 Đài tệ/tháng. Bị trừ thuế tại Đài Loan: 3.168 đài tệ; phí cho công ty Việt Nam tuyển dụng lao động là 12%/tháng lương: 2.000 đài tệ; bảo hiểm tại Đài Loan: 46 đài tệ; phí môi giới 5.750 đài tệ. Mỗi tháng người lao động được ứng 2.000 đài tệ để sinh hoạt. Như vậy với mức lương 15.840 đài tệ/tháng, sau khi trừ các chi phí, người lao động chỉ tiết kiệm mỗi tháng khoảng 2.876 đài tệ. Số tiền này chỉ bằng 1/2 số tiền chi cho môi giới. Nếu với việc quy đổi khoảng 33 đài tệ = 1 USD thì họ chỉ còn giữ lại để gửi về nhà khoảng 87 USD/tháng. Như vậy có thể nói người lao động làm việc quần quật trong 1 tháng chủ yếu chỉ để trả cho các loại phí và chủ yếu là phí môi giới."[59] Cứ mỗi người lao động thì công ty môi giới có thể hưởng lợi gấp ba lần số tiền mà mỗi người làm công có thể để dư được (phí môi giới gần gấp 2, và phí dịch vụ gần bằng) và gần phân nửa số lương tháng của họ, dù không phải trực tiếp lao động.

Theo luật của Đài Loan, mức phí môi giới lao động phải trả hàng tháng là từ 47 đến 56 USD, tuỳ thuộc thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết có nhiều trường hợp bên môi giới lấy số tiền nhiều hơn mức cho phép và không quan tâm đến quyền lợi của người lao động.[65]

Lừa đảo và buôn người

Một nhà máy may Bolshevik tại Nga

Đã có nhiều hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động từ cá nhân tự phát đến có tổ chức tại Việt Nam. Điều này xuất phát một phần từ nhu cầu muốn được xuất khẩu lao động từ phía người dân trong nước. Như năm 2011, kỳ thi tiếng Hàn đạt kỷ lục về lượng thí sinh tham dự với gần 67.000 người, gấp hơn 2 lần so với năm 2010 và hơn 8 lần so với năm 2009, trong khi số lượng hồ sơ phía Hàn Quốc đăng ký lựa chọn là 15.000 và chỉ nhận tuyển khoảng 13.000 người.[66]

Theo số liệu của công an Thành phố Hà Nội, riêng khoảng thời gian từ đầu năm 2006 đến giữa 2007, tại Hà Nội có hơn 2.000 nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Đài Loan và Hàn Quốc, tổng lợi nhuận chiếm đoạt là hơn 52 tỷ đồng.[67] Tại Hà Nội còn có hiện tượng giả danh cán bộ quản lý, lừa đảo xuất khẩu lao động hoặc lừa đưa người đi xuất khẩu lao động bằng con đường du học.[68] Mặc dù một số công ty vi phạm Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị xử phạt hành chính với mức phạt chỉ từ 1500 USD trở xuống.[7]

Nhiều lao động Việt Nam tại Malaysia bị lừa đảo hợp đồng lao động và bị ngược đãi, đánh đập, bỏ đói, tìm kiếm sự can thiệp để về Việt Nam.[69]

Đối với việc xuất khẩu lao động sang Nga, người lao động rất dễ bị lừa và không thể kiếm được chỗ làm hợp pháp nếu không qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã được cấp phép. Có hàng nghìn người Việt Nam bị rơi vào cảnh "nô lệ lao động" tại thị trường này. Họ bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài và lao động vất vả tại những xí nghiệp may phi pháp, bị bóc lột thậm tệ, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính trở về Việt Nam.[70] Đầu năm 2012, một số lao động xuất khẩu bất hợp pháp tại Nga gọi điện cho báo giới Việt Nam cầu cứu về tình hình lao động mà không được trả lương cả năm, trốn ra ngoài thì bị báo cảnh sát bắt và phạt tiền.[63]

Có tình trạng nhiều đối tượng, công ty lừa đảo người lao động Việt Nam chiếm đoạt tài sản hoặc đưa người lao động sang châu Âu bất hợp pháp. Ngoài ra còn có dấu hiệu hình thành các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang châu Âu, bán vào các ổ mại dâm.[37]

Từ 2004 đến 2008, khoảng 5.400 người đã chấp nhận vay mượn tiền để xuất ngoại đi lao động tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Úc nhưng không đi được vì bị lừa.[71]

Vi phạm hợp đồng và bóc lột

Việc vi phạm hợp đồng có thể diễn ra từ nhiều phía: nhà môi giới, nhà tuyển dụng hoặc lao động.

Các lao động Maylaysia bị nhà mội giới xuất khẩu bỏ mặc ngay sau khi sang nước ngoài, nhận được việc làm không theo nội dung như trong hợp đồng. Một số rơi vào tình trạng việc làm lúc có lúc không, bị quỵt lương, bị chuyển nơi làm việc nặng liên tục như bốc vác, hàn xì, đổ bê tông,...[36] Đây là thị trường được xem la có thu nhập thấp, rủi ro cao. Thu nhập bình quân của các lao động này ở Malaysia là khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.[31] Người lao động có thể phải làm việc 12 giờ mỗi ngày tại những công trường công việc nặng nhọc trong điều kiện lao động nguy hiểm mà công nhân địa phương không chịu làm và nhiều tháng liền không được trả lương đồng thời bị ngược đãi. Phản đối điều này, năm 2005, một nhóm lao động Việt Nam đã biểu tình trước tòa tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.[72] Tương tự, tại Đài Loan, công việc chính của người lao động xuất khẩu là làm trong các ngành mà người dân địa phương không đoái hoài hoặc chê vì lương quá thấp.[65]

Tại Qatar, số lao động Việt Nam có tỷ lệ vi phạm hợp đồng cao do các yếu tố như 95% tham gia công việc xây dựng nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt, thu nhập trên 200 USD/tháng, khác biệt lớn về văn hoá, các vấn đề về pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp cùng một số yếu tố kinh doanh, cờ bạc, trộm cắp phát sinh từ phía lao động Việt Nam.[73]

Tại Cộng hòa Séc, người lao động Việt Nam gặp phải tình trạng bóc lột, bỏ đói và nhiều vấn đề phức tạp khác. Giới truyền thông đại chúng Séc sử dụng rộng rãi cụm từ "nô lệ thời đại mới" để nói về những công nhân ngoại quốc.[74]

Năm 2010, 120 người lao động thời vụ Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức biểu tình để phản đối điều kiện làm việc.[75]

Tình hình thế giới

Tình hình bất ổn chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng ảnh hưởng đến lao động xuất khẩu. Năm 2011, do cuộc khủng hoảng chính trị tại Lybia, Việt Nam đã phải sơ tán khẩn cấp hơn 10.000 lao động về nước.[14] Những lao động này khi trở về phải đối mặt với các khoản nợ không nhỏ đã vay trước khi đi xuất khẩu. Trước đó, năm 1991, Việt Nam đã sơ tán khoảng 18.000 lao động làm việc tại Iraq do chiến tranh Vùng Vịnh.[76] Một số khó khăn khác có thể kể đến như: ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu và sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động như Trung Quốc, Indonesia,...[15][38]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xuất khẩu lao động Việt Nam http://apps.chron.com/disp/story.mpl/metropolitan/... http://www.rfavietnam.com/node/1106 http://www.state.gov/g/tip/rls/tiprpt/2006/67020.h... http://vietnam.iom.int/sites/default/files/IOM_Fil... http://tamnhin.net/Phapluat/9527/Nhung--van-de-bat... http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2010/12/3ba245df... http://vnexpress.net/gl/viec-lam/2008/12/3ba099aa/ http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2001/04/3b9aff26/ http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/11/nguoi-phu-n... http://web.archive.org/web/20050129040712/http://w...